Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Hiểm họa từ game ‘không phép’ Trung Quốc

Trong những năm gần đây, các hãng game Trung Quốc đã không ngừng xâm nhập vào thị trường Việt Nam, tung ra các game như Tuyệt đỉnh Tam Quốc, Mộng Tây Du, Long Hổ Tướng... Cùng với những phần thưởng ‘khủng’ để thu hút lượng người chơi ngày một tăng lên. Giống như rất nhiều mặt hàng Trung Quốc, chúng thường là game “không phép” nhưng vẫn ngang nhiên xuất hiện và thịnh hành tại Việt Nam.

Với các sản phẩm như Mãnh Tướng Vô Song, Tiên Cảnh hay Phong Vân Tam Quốc 2, KoramGame – hiện có trụ sở tại quận Tân Bình, TP. HCM - được đánh giá là một trong những công ty đang ‘ăn nên làm gia’ tại thị trường game Việt. Các nguồn tin cho biết đây là một công ty con của hãng Côn Lôn - Trung Quốc. Tuy nhiên, trên website của KoramGame, thông tin về nhà phát hành đều được hãng này giấu kín, người chơi chỉ có thể liên hệ qua một số điện thoại chăm sóc khách hàng để được giải đáp. Sau nhiều lần bị cơ quan truyền thông ‘sờ gáy’, KoramGame đã chuyển hết game của mình về một công ty khác là CENS. Không những vậy, hãng còn mọc thêm một đầu nậu mới là Vietking Games và tung ra loạt sản phẩm mới như Truyền Thuyết Thánh Vực, Long Hổ Tướng hay Mộng Tây Du.
Bên cạnh KoramGame, hai cái tên cũng hay được nhắc đến là Tuyệt Phẩm và Lemon Game với các sản phẩm như Tiên Ích, Wartune hay Nhị Chiến Phong Vân, cả hai đều có trụ sở tại TP. HCM. Bắt đầu tiếp cận các game thủ Việt Nam từ năm 2010 nhưng Tuyệt Phẩm không trực tiếp phát hành game mà chỉ dựa vào một số cổng game có sẵn để cài các sản phẩm của mình lên đó, điển hình là game Thế Chiến II trên cổng sohagame.
Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có KoramGame là hoạt động công khai nhất trên các phương tiện truyền thông, các đối thủ còn lại đều xuất hiện với tính chất thăm dò, chờ điều kiện thuận lợi mới bắt đầu tung sản phẩm và hoạt động rầm rộ hơn.
Việc các hãng game tìm cách phát triển sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài là hành động hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên các doanh nghiệp Trung Quốc khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam như chốn không người. Để thu hút các game thủ trong nước, họ sẵn sàng tung ra banner quảng cáo đầy rẫy những hình ảnh gợi dục cùng gói phần thưởng hấp dẫn. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam khi chưa kịp phát hành sản phẩm có khi đã bị những hãng này vơ vét các từ khóa tên game trên Google nhằm chặn đường sống. Kết quả là, mọi ngả đường tìm kiếm đều đổ về hàng Tàu.
So với đối thủ trong nước, các hãng này sẵn sàng lấy tiền đè người để mua bản quyền phát hành các tựa game mà sẽ được công ty mẹ tấn công ào ạt với số lượng lớn. Vậy nên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải cạnh tranh các chi nhánh được hậu thuẫn toàn diện để quấy phá thị trường Việt Nam.
Điều đáng nói, mối đe dọa lớn nhất là các game này đều không bị kiểm duyệt khi được đưa vào thị trường Việt Nam. Chúng hoàn toàn có thể được chính quyền Bắc Kinh lợi dụng để tuyên truyền các “giá trị cốt lõi” về chủ quyền lãnh thổ hay ám thị về văn hóa trước những game thủ có tuổi đời non trẻ. Gần đây, một game trực tuyến của công ty công ty Giant Interactive (Trung Quốc) đã bị tố giác khi để đường lưỡi bò ‘ngang nhiên’ xuất hiện trên bản đồ Biển Đông.
Game Trung Quốc giờ đây đã là một đe dọa khi không chỉ có nguồn lực dồi dào, thậm chí các công ty mẹ tại Trung Quốc có thể “mua” được những nhà phát hành game Việt Nam để trở thành ‘tay trong’ bán rẻ thị trường trong nước.

Theo Trí thức trẻ

Webgame |web game moi

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét